Nội dung
Xây nhà cách âm là một giải pháp giúp giảm tiếng ồn xung quanh khu vực sinh sống của bạn. Đặc biệt là khi bạn sở hữu một ngôi nhà ở gần đường, gần khu vực ăn uống, quán nhậu, quán Karaoke, nơi những tiếng ồn có thể khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu bạn muốn xây nhà ở một khu vực đông đúc, ồn ào nhưng lại không muốn phiền nhiễu bởi nó, hay đơn giản là bạn muốn giữ sự riêng tư, không muốn gây phiền hà cho hàng xóm với các sở thích chơi nhạc, hát karaoke, hay tiếng cười đùa của con cháu trong nhà… bạn sẽ cần một giải pháp xây nhà cách âm hiệu quả, và bài viết này sẽ giúp bạn tiếp cận với những giải pháp cách âm nhà phố hiệu quả nhất. Hãy cùng theo dõi nhé.
Tại sao phải xây nhà cách âm?
Nhiều gia chủ cho rằng việc cách âm là không cần thiết và họ thường có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào vật dụng nội thất thay vì cách âm nhà. Tuy nhiên, điều đó đôi khi lại khiến họ không thể có được sự thoải mái như những gì họ nghĩ. Dù ngôi nhà được thiết kế đẹp, nội thất tiện nghi, thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng thiếu đi sự yên tĩnh thì ngôi nhà sẽ không còn là không gian sống lý tưởng.
Đa số các ngôi nhà hiện nay sử dụng các loại gạch truyền thống để xây tường và đều đó chỉ đáp ứng tốt mục đích ngăn chia không gian sống chứ không đảm bảo được khả năng cách âm cũng như giúp xử lý âm thanh không bị thoát ra ngoài. Và giờ đây những người hàng xóm “ồn ào” hay những quán xá đông đúc, đường xá tấp nập có thể sẽ trở thành vấn đề cho những trải nghiệm sống của các thành viên trong gia đình. Đó là lý do bạn nên quan tâm đến các giải pháp cách âm và tiêu âm hiệu quả cho ngôi nhà của mình ngay từ khâu xây dựng.
Các giải pháp giúp cách âm nhà hiệu quả
Tường dày không phải là điều duy nhất bạn cần làm khi muốn chống ồn cho nhà gần đường, nhà gần khu vực ồn ào. Có rất nhiều giải pháp khác nhau và tùy thuộc vào những trường hợp cụ thể mà lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Dựa trên tính chất lan truyền âm thanh thì việc cách âm tường là chưa đủ, bạn sẽ cần phải quan tâm đến các kết cấu khác như sàn, trần, cửa.
Cách âm cho cửa
Cửa ra vào, cửa chính, cửa sau, cửa sổ là nơi âm thanh truyền qua nhiều nhất, đặc biệt là khi mở cửa. Ngay cả khi đóng cửa, những khe hở giữa cánh cửa và khuôn, sàn nhà vẫn khiến âm thanh vọng vào. Thêm vào đó, cửa thông thường được cấu tạo không quá dày, cửa gỗ chỉ dày từ 4-5cm, cửa kính nội bộ trong nhà thường dày trung bình 5-8 mm. Điều này khiến khả năng cản âm của cửa thông thường khá yếu. Các giải pháp cách âm cửa sẽ gồm xử lý những khe hở và tăng khả năng chống ồn của kết cấu.
Một số loại cửa làm từ vật liệu mới như cửa nhựa lõi thép, cửa nhôm có gioăng, hoặc cửa kính hộp (loại cửa có 2-3 lớp kính, đặt cố định song song với nhau, ở giữa bơm khí trơ) sẽ thường được ưu tiên sử dụng trong những ngôi nhà cần xử lý cách âm cửa.
Với trường hợp sử dụng cửa có khe cửa, cạnh cửa thì giải pháp tốt nhất là bơm silicon hay gắn các dải xốp, dải cao su để che kín, từ đó ngăn chặn triệt để các cửa ngõ mà âm thanh có thể vào nhà.
Một lưu ý quan trọng khi xử lý âm cho cửa là không thiết kế các cửa đối diện trực tiếp với nhau để đảm bảo âm thanh không truyền từ phòng này qua phòng khác gây nên hiện tượng cộng hưởng âm thanh.
Kết hợp sử dụng rèm cửa cách âm là giải pháp hỗ trợ giúp tăng hiệu quả cách âm khi kết hợp cùng các giải pháp trên. Giúp hấp thụ phần nào âm thanh trong phòng và có thể ngăn cản tiếng ồn ngoài trời.
Cách âm cho tường
Tường là kết cấu chính tiếp xúc với môi trường bên ngoài, vì thế việc cách âm tường luôn được nhắc đến đầu tiên trong các giải pháp cách âm nhà phố. Tùy vào mục đích, bạn có thể cách âm bên ngoài vào nhà hoặc cách âm từ nhà ra ngoài (ví dụ như phòng karaoke tại nhà), bạn có thể chọn các giải pháp khác nhau như:
Để cách âm từ bên ngoài, bạn nên xây tường đôi (220 mm) bằng gạch rỗng (hạn chế sử dụng gạch đặc). Bên trong nhà sử dụng vách thạch cao chèn ở giữa những vật liệu cách âm như bông thủy tinh, xốp, mút.
Tiêu âm trong nhà bằng các bề mặt không phẳng, mềm như vách trang trí lồi lõm, vách đục lỗ, màn nhung… Tường bao ốp ván, bên trong ốp lớp xốp hoặc tấm thạch cao dày.
Ở giếng trời nên dùng các vật liệu nhám bề mặt để tiêu âm như gạch trần, đá tự nhiên, sơn gai. Mặt đứng công trình sử dụng các loại gạch hoa rỗng, hay trồng cây xanh cũng góp phần ngăn tiếng ồn.
Đối với những bức tường ở phía có nguồn tiếng ồn, nên đặt tủ tường, tủ sách lớn, tủ chứa đồ để cản trở sự truyền âm qua không khí từ phòng này sang phòng khác. Bên cạnh đó, trồng cây ở phía khoảng sân gần nguồn gây ồn cũng có tác dụng làm giảm tạp âm, và nên ưu tiên những loại cây bụi, bởi nó có khả năng giảm tiếng ồn tốt hơn so với cây to.
Cách âm cho trần, mái
Như đã nói ở trên, trần nhà, mái nhà cũng là nơi bạn nơi xử lý tiếng ồn nếu muốn không gian sống của bạn được yên tĩnh và riêng tư nhất. Tương tự như ở chung cư, vấn đề tiếng ồn do căn hộ tầng trên gây ra có thể làm ảnh hưởng đến căn hộ tầng dưới, và với những căn nhà phố nhiều tầng cũng vậy, để tiếng ồn không truyền vào nhà, bạn cần cách âm mái, còn để tiếng ồn không bị lan truyền trong nhà, bạn cần cách âm trần của các tầng. Hoặc phải kết hợp cả hai tùy trường hợp.
Với những công trình chưa hoàn thiện, giải pháp cách âm chống ồn là lót thêm những vật liệu có tính cách âm vào bên trong lớp trần, tạo khoảng cách trong vách tường nhằm ngăn chặn âm thanh truyền qua. Các vật liệu phổ biến được sử dụng để xử lý cách âm trần như cao su non, bông thủy tinh, bông khoáng, túi khí cách âm, xốp màng nhôm PE-OPP…
Còn với công trình đã hoàn thiện, chúng ta có thể thêm một lớp trần nằm dưới bề mặt trần bê tông có sẵn. Lớp trần này có thể là hệ thống trần thạch cao hay trần ốp gỗ bên trong lót vật liệu cách âm, phần lót bên ngoài có nhiệm cố định các lớp cách âm đó. Trần thạch cao phải kín khít, không có khe hở.
Đối với cách âm mái, tùy thuộc vào loại mái mà khả năng chống ồn là khác nhau. So với mái tôn, mái ngói và bê tông sẽ giúp giảm tiếng ồn tốt hơn. Tuy nhiên với giá thành cao, giải pháp lợp tôn vẫn được sử dụng phổ biến hơn. Lúc này phương án để giảm tiếng ồn cho mái tôn là sử dụng tôn mát, tấm lợp 3 lớp cách âm, cách nhiệt.
Mái lấy sáng nên sử dụng mái kính, không nên dùng tấm nhựa thông minh hay tôn sáng vì các loại vật liệu này rất ồn khi mưa. Với những phòng cần cản âm thoát ra ngoài như phòng karaoke, chiếu phim, nghe nhạc gia đình, bạn nên xử lý trần để tiêu âm, như tạo khe, ô lồi lõm, đục lỗ, sơn sần.
Cách âm cho sàn
Với nhà phố, sàn nhà được kết cấu từ bê tông cốt thép, và điều đó không thể bị thay đổi để đảm bảo sự bền vững và an toàn cho ngôi nhà. Vì thế, thay vì thêm vật liệu vào công tác thi công sàn, các vật liệu lát sàn đóng vai trò quyết định trong việc cách âm. Một vài loại vật liệu mềm, xốp, nhiều lớp có khả năng cách âm, được sử dụng cho sàn nhà như: sàn gỗ có hệ xương, có lớp lót, thảm, gạch mát lát sàn…
Tổng kết
Một ngôi nhà đẹp, tiện nghi rất quan trọng nhưng so với nó, cách âm cũng đóng vai trò không hề kém cạnh. Bạn sẽ khó có được sự thoải mái khi không gian sống luôn ồn ào. Việc sửa chữa, cải tạo phần cách âm sau khi xây nhà có thể sẽ giải quyết một phần việc cách âm, tuy nhiên hiệu quả là không toàn diện, đồng thời nó còn khiến bạn tốn kém tiền bạc và thời gian. Vì thế, ngay từ khâu xây dựng, hãy chuẩn bị những giải pháp cách âm hiệu quả, và đừng lo lắng khi bạn không có nghiều kinh nghiệm xây nhà cách âm, các chuyên gia của Kiến Vàng ở đây là vì bạn. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.
>>> Xem thêm: Bảng giá thi công xây nhà trọn gói được update mới nhất 2023
Công ty TNHH Thiết Kế - Xây Dựng - Trang Trí Nội Thất Kiến Vàng